Phần 2: Cuộc chiến nước mắm và nỗi niềm của người sản xuất truyền thống

Câu hỏi dành cho Luật sư Nguyễn Thế Truyền Nếu phát hiện một doanh nghiệp đứng đằng sau chiến dịch “truyền thông bẩn” nhắm vào các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống, liệu có thể khởi kiện doanh nghiệp này về hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo Luật Cạnh tranh?

cuoc chien nuoc mam va noi niem cua nguoi san xuat truyen thong hinh anh 19

Luật sư Nguyễn Thế Truyền: Nếu chứng minh được, có một doanh nghiệp sản xuất nước mắm tài trợ đứng sau chiến dịch vừa rồi, tôi khẳng định họ đã vi phạm pháp luật rất nặng.

Về luật cạnh tranh, họ đã vi phạm Khoản 3, điểm A, điều 45 luật cạnh tranh có ghi rõ trách nhiệm trong việc đưa thông tin gian dối cho khách hàng về giá, số lượng, chất lượng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất.

Ngày 17.10 các tiểu thương nhận được các tờ rơi nói rất rõ, nước mắm có asen là không an toàn, không có asen mới là an toàn. Đây là căn cứ rất mạnh để các cơ quan chức năng có thể xử lý rất mạnh. Ngoài ra còn có rất nhiều quảng cáo của doanh nghiệp này trên báo chí.

Sau khi có kết luận về công bố thông tin sai sự thật, tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thông tin đó có thể làm đơn khiếu nại, gửi trực tiếp đến VINASTAS yêu cầu xin lỗi, gửi thông tin đính chính trên các phương tiện thông tin báo chí, và đòi đền bù thiệt hại.

Các doanh nghiệp có thể đưa ra chứng minh về thiệt hại rất dễ thông qua doanh số theo tháng, quý, thiệt hại cho sản xuất, chi phí công nhân…Nếu VINASTAS không đồng ý, không thoả thuận với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể khởi kiện để đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo luật dân sự.

 Tôi cho rằng, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nên có động thái cụ thể. Việc lên tiếng hôm nay, không chỉ để giải quyết vấn đề trước mắt, mà còn tạo ra thói quen tuân thủ pháp luật của tất cả các bên trong xã hội hiện nay. Làm tiền đề cho các doanh nghiệp tự do cạnh tranh phát triển một cách lành mạnh, chứ không phải dùng các chiêu trò.

Bạn đọc Nguyễn Văn Tình ở Đồng Nai cho biết, tôi đi siêu thị trong địa bàn ở tỉnh tôi có hàng trăm loại nước mắm, nước chấm khác nhau như lạc vào ma trận. Xin hỏi ông Vũ Vinh Phú, việc kiểm soát các sản phẩm nước mắm nói riêng và các sản phẩm khác trong siêu thị hiện nay như thế nào và có đảm bảo an toàn hay không?

Ông Vũ Vinh Phú: Theo quyết định 1371/BTM của Bộ Thương Mại nay là Bộ Công Thương đã quy định các siêu thị phải nhập hàng qua hợp đồng, có giấy tờ, được phép lưu hành sản phẩm. Được các cơ quan chức năng chứng nhận mới được đưa vào siêu thị. Việc nhập hàng phải theo hợp đồng ký kết giữa các bên. Sau đó, bản thân siêu thị thỉnh thoảng phải có những đợt quay lại nơi sản xuất để kiểm tra hàng hóa nhập về.

Do đó, chất lượng hàng hóa trong siêu thị về cơ bản có thể yên tâm nhưng siêu thị không phải là “siêu” hoàn toàn. Bởi nếu người nhập hàng có thông đồng với người giao hàng hoặc thiếu trách nhiệm trong khâu đầu vào khi vào siêu thị thì sản phẩm trong siêu thị cũng sẽ có vấn đề. Bản thân người quản lý siêu thị phải kiểm tra chất lượng sản phẩm và cơ quan chức năng phải kiểm tra chất lượng sản phẩm trong siêu thị.

Bản thân các siêu thị phải xây dựng điều lệ chặt chẽ, không bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng cấm trong siêu thị. Do đó, bạn có thể yên tâm, nếu có vấn đề gì phát hiện cần khiếu nại để cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Xin cảm ơn bạn!

Bạn đọc Trung Thông (Nghệ An) hỏi: “Trong gia đình tôi, bố mẹ tôi và tôi thì thích và quen dùng nước mắm truyền thống; con cháu tôi thì thích dùng nước mắm công nghiệp. Tôi nghĩ rằng cái này tùy khẩu vị từng người miễn là an toàn là được. Để kết thúc sự tranh cãi về lâu dài, theo ông Ngô Quang Tú các cơ quan chức năng cần làm gì tiếp sau những động thái chỉ đạo của Chính phủ với các Bộ ngành?”

cuoc chien nuoc mam va noi niem cua nguoi san xuat truyen thong hinh anh 22

Ông Ngô Quang Tú: Cảm ơn bạn đọc đã đặt câu hỏi.

Như tên cuộc giao lưu trực tuyến hôm nay là “cuộc chiến nước mắm” nghe có vẻ to tát nhưng đúng là có tranh cãi. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước phải nhanh chóng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mắm, vì nước mắm là nước chấm hết sức đặc thù làm từ động vật dưới nước.

Đồng thời, trong nội dung của quy chuẩn phải có khái niệm hoặc định nghĩa rõ ràng với nước mắm. Còn đối với Bộ NN&PTNT cũng cần rà soát, sửa đổi tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5107:2003 để đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, của xã hội. Bộ Y tế khi xây dựng bộ quy chuẩn về sản phẩm thực phẩm cũng nên tách quy chuẩn về sản phẩm thủy sản riêng vì trên thế giới hai hệ thống này được tách bạch. Bởi mối nguy của sản phẩm thủy sản khác các loại khác.

Còn đối với doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng, nước mắm truyền thống cũng thế mà nước mắm sản xuất theo phương pháp công nghiệp cũng vậy, cần phải minh bạch thông tin để người tiêu dùng lựa chọn. Chúng ta không thể ngăn cản được người tiêu dùng, mà phải để họ lựa chọn theo sở thích của mình.

Bạn đọc Béo Mập ở địa chỉ vanhuong22@yahoo.com hỏi: Dư luận đang chỉ trích một số cơ quan báo chí đã đăng tải thông tin quảng cáo cho nước mắm của hãng Masan không có asen với khẩu hiệu Chất lượng nhưng phải an toàn, không biết là vô tình hay hữu ý ngay sau khi Vinastas công bố kết quả gây hoang mang dư luận về nước mắm asen kia? Là một lãnh đạo cơ quan báo chí, ông thấy việc đăng quảng cáo về sản phẩm này trong trường hợp này thế nào? Là ông, ông có cho đăng tải?

Ông Phạm Trung Tuyến: Tôi cho rằng, quảng cáo của Masan không có gì sai, họ đã đưa ra 1 slogan nước mắm phải an toàn, cái đó phù hợp, cơ quan báo chí cũng không có vấn đề gì khi đăng một quảng cáo như vậy.

Về khía cạnh khác, sự nhạy cảm về mặt thông tin, khi mà xã hội đang xảy ra cuộc chiến nước mắm, một cơ quan báo chí cần phải cân nhắc, có nên đăng hay không. Đây không phải là vấn đề pháp lý, mà là vấn đề lựa chọn, họ lựa chọn gì, hợp đồng quảng cáo có giá trị lớn hay lựa chọn cảm xúc của độc giả.

Không ai có thể lựa chọn thay ai được. Tôi khẳng định về mặt pháp lý thì không có vấn đề gì, nhưng thông tin về nước mắm lại chạm vào cảm xúc của độc giả, xung đột với cảm xúc của độc giả. Chúng ta đều lựa chọn theo lợi ích của mình, nhưng lợi ích đó là gì thì tùy vào mỗi người.

Chẳng hạn, nếu là tôi, tôi sẽ chọn lợi ích về lâu dài, lợi ích của tôi là có lượng độc giả tín nhiệm trong thời gian dài, do đó, tôi sẽ không chọn xung đột với lợi ích của độc giả. Nhưng nếu trước mắt, tôi cần đưa về lợi ích cho cơ quan, thì tôi sẽ chọn quảng cáo. Như vậy lựa chọn như thế nào còn tùy vào thời điểm.

Một bạn đọc nêu câu hỏi với nhà báo Phạm Trung Tuyến về Trách nhiệm của nhà báo như thế nào? Không chỉ vấn đề nước mắm, mà sau này chúng ta sẽ phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng tương tự?

Nhà báo Phạm Trung Tuyến: Tôi đồng ý với anh, câu chuyện nước mắm chỉ là một ví dụ, chúng ta có thể gặp nhiều chuyện tương tự trong lúc chúng ta đang chứng kiến truyền thông như con ngáo ộp dọa dẫm người tiêu dùng, doanh nghiệp.

Sức mạnh truyền thông đang bị thổi phồng, nếu đây là một âm mưu triệt hạ nước mắm truyền thống, nếu âm mưu này xảy ra cách đây 10 năm thì sẽ rất thành công. Nhưng ở thời điểm hiện tại chỉ xảy ra trong 1 thời gian ngắn đã bị độc giả phanh phui cho thấy người đọc hiện đã có thể nhận ra thông tin rất nhanh.

cuoc chien nuoc mam va noi niem cua nguoi san xuat truyen thong hinh anh 25

Theo tôi, về mặt ngắn hạn, vụ nước mắm có thể làm thiệt hại các doanh nghiệp nước mắm truyền thống. Nhưng về lâu dài, các doanh nghiệp nước mắm truyền thống lại có lợi. Bởi sau vụ việc, người tiêu dùng có thể phân biệt đâu là nước mắm truyền thống đâu là nước mắm công nghiệp.

Trên thực tế, nếu không có câu chuyện này tôi không biết đâu là nước mắm truyền thống đâu là nước mắm công nghiệp. Qua sự việc, thực tế người tiêu dùng là người được lợi nhất, vì họ có khả năng phân biệt nước mắm truyền thống và công nghiệp, và doanh nghiệp nước mắm truyền thống cũng thế.

Tôi nghĩ đây là một cơ hội Nó cho thấy, con ngáo ộp truyền thông tưởng như có thể giết chết doanh nghiệp không đáng sợ, nó đã bị thổi phòng lên. Một thời gian ngắn sau vụ nước mắm (1 tuần) Bộ y tế đã phải lên tiếng, đưa ra phát ngôn của mình.

Đây là điều khác biệt. Nếu nhìn lại vụ nước tương cách đây 11 năm, nửa năm sau Bộ Y tế vẫn không có phát ngôn. Câu chuyện mắm tôm cũng thế, mắm tôm có phải nguyên nhân gây tả hay không, 1 năm sau bộ cũng không có phản ứng.

Tôi nghĩ thông tin 100% nước mắm an toàn bộ y tế vừa đưa ra có thể gây ra cơn bão truyền thông mới, lu mờ câu chuyện nước mắm chúng ta đang nói hôm nay. Nhưng đó là 1 tín hiệu đáng mừng khi cơ quan chức năng đã phải đưa ra tuyên bố của mình, dù tuyên bố chưa chặt chẽ, có sơ hở, nhưng điều đó sẽ cho các cơ quan chức năng cơ hội để rèn luyện phản ứng có lợi cho người tiêu dùng, cho doanh nghiệp chân chính.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến: Tôi muốn nói thêm, hiện các chuyên gia nghiên cứu độc lập cũng dễ lên tiếng hơn. Nếu cách đây 10 năm, nếu họ có những nghiên cứu riêng gửi cho các cơ quan báo chí truyền thông, chưa chắc là có được đăng hay không.

Trước đây họ có được lên tiếng hay không là 1 câu chuyện. Nhưng hiện nay họ đã có thể tiếp cận với các kênh truyền thông dễ dàng hơn, tự đưa ra thông tin của mình tới độc giả người tiêu dùng. Và hiện cũng có thách thức của cơ quan báo chí khi đánh đồng mình với các phương tiện truyền thông trên mạng , chúng ta có thể bị lợi dụng.

cuoc chien nuoc mam va noi niem cua nguoi san xuat truyen thong hinh anh 28

Sau hơn hai tiếng diễn ra buổi giao lưu trực tuyến đã có hàng trăm câu hỏi của bạn đọc đã được các khách mời giải đáp. Tuy nhiên, do thời gian có hạn, còn rất nhiều câu hỏi của độc giả chưa được giải đáp. Ban biên tập báo điện tử Dân Việt sẽ chuyển tới các chuyên gia, khách mời và tiếp tục đăng tải trên báo điện tử Dân Việt.

Ban Biên tập Báo điện tử Dân Việt xin chân thành cảm ơn các vị khách mời và đông đảo các bạn đọc đã quan tâm, gửi câu hỏi góp phần làm nên thành công của buổi giao lưu trực tuyến.

Báo Dân Việt

Bình luận bài viết

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *