Công ty CP HS Thái Bình: Vượt qua khó khăn để phát triển

Ở quê ‘chị Hai lúa’ nói đến Công ty CP HS Thái Bình (THASEA.JSC) thì ai cũng biết, bởi lẽ đây là doanh nghiệp chiếm tới 80% thị phần nước mắm truyền thống tại tỉnh nhà.

Thành lập từ năm 1959 và được cổ phần hóa từ năm 2005, Công ty CP HS Thái Bình hiện có 4 đơn vị thành viên hạch toán báo sổ là Xí nghiệp chế biến TS đông lạnh xuất khẩu Diêm Điền, Xí nghiệp chế biến HS Diêm Điền, Xí nghiệp chế biến TS Tam Lạc và Xí nghiệp chế biến HS Cửa Lân. Các sản phẩm cung cấp ra thị trường hiện nay chủ yếu là nước mắm, mắm cáy, mắm tôm chắt và mắm tôm đặc.

GĐ Trần Văn Quang (thứ tư bên trái), PGĐ PGĐ kỹ thuật Đỗ Công Chính (bên trái), PGĐ Vũ Đức Triệu (bên phải) cùng với chuyên gia thực phẩm Nguyễn Thị Việt Anh, CT Hồ Kim Liên (thứ hai và ba bên trái) và PCT Trần Thị Dung trong chuyến công tác tại Thái Bình ngày 20/4/2022.

Khó thay thế lao động thủ công

Theo PGĐ kỹ thuật Đỗ Công Chính, với đặc thù của thời tiết khí hậu miền Bắc nên chỉ có phương pháp đánh đảo là phù hợp nhất để chế biến nước mắm truyền thống. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi gấp tới cả chục lần nhân công so với làm nước mắm bằng phương pháp gài nén và kéo rút ở miền Trung và miền Nam.

Đánh đảo nhìn thoáng qua có vẻ đơn giản vì chỉ thấy công nhân đứng trên thành bể, mỗi người cầm một cây sào dài chọc chọc, ngoáy ngoáy xuống dưới,… Tuy vậy, nếu ai không quen với mùi chượp bốc lên giữa trời nắng gay gắt và không có sức khỏe tốt thì không thể cầm cây sào dài có gắn miếng gỗ trông như cái cào thóc chọc sâu 1,5-2 m xuống tận đáy bể để khuấy dung dịch đặc sánh như vữa mà ta quen gọi là chượp để cho nó ngấm đều muối hay làm cho lớp chượp cá ở phía dưới nguội hơn được đảo lên trên để được phơi nắng gia nhiệt cho đạm cá nhanh chóng được phân giải thành đạm mắm,… Lúc ban đầu khi thịt cá còn chắc thì việc đánh đảo này còn nặng nhọc hơn nhiều và đó cũng là lúc chượp mùi mạnh nhất.

GĐ Xí nghiệp Chế biến HS Diêm Điền Bùi Thị Xuyên cho hay: “Để giảm bớt lao động và giúp công nhân đỡ tốn sức lực, công ty đã thử dùng máy để đánh khuấy nhưng không hiệu quả bằng làm thủ công vì có những chỗ ở góc bể chượp thì máy không thể đánh tới. Hơn nữa, việc đánh khuấy bằng máy quá mạnh, khiến cho thịt và xương cá bị đánh vụn nát ra gây khó khăn cho rút cốt và lọc sau này. Thời gian chế biến từ khi đưa nguyên liệu vào cho đến khi rút nước mắm cốt khoảng 1-1,5 năm thì mới đảm bảo chất lượng”.

Đánh đảo là công việc nặng nhọc và cần nhiều công nhân.

Không có việc làm vẫn được trả 100% lương

Việc này nghe có vẻ là lạ nhưng đó là sự thật ở Công ty CP HS Thái Bình. Nói về điều này, GĐ Trần Văn Quang khẳng định: “Lương mà trả thấp là họ bỏ việc ngay. Nếu mặt bằng lương ở địa phương là 8 triệu thì công ty phải trả 10 triệu thì mới có thể giữ chân được công nhân. Mà làm nước mắm thì công việc rất vất vả, cho nên phải trả lương cao thì mới giữ họ lại được với mình. Tết tôi lo cho anh em, nếu so với mặt bằng lương thưởng của tỉnh, thì cũng vào loại nhất nhì đấy, mỗi người cũng được 15-20 triệu. Tôi công bố ngay từ đầu tháng 12 là cứ nhẩn nha mà làm, đến đúng ngày 20 tết là lấy tiền”.

Ngay như các đợt dịch Covid-19 xảy ra năm ngoái, người lao động bị nghi là F0 thì chỉ cần gọi điện thông báo nghỉ chứ tuyệt đối không được đến cơ quan báo cáo. Họ nghỉ ở nhà nhưng công ty vẫn trả lương thưởng đầy đủ như người làm bình thường, kể cả chi phí kiểm tra, xét nghiệm. Chính vì vậy, chi phí lương và phúc lợi xã hội chiếm phần khá lớn trong chi phí sản xuất của công ty.

Công nhân ở đây ai cũng tự hào nhắc nhắc mãi tuyên bố hào sảng của ông GĐ phong độ và đẹp trai: “Nếu không có việc làm cũng phải lo cho người lao động 7-8 triệu mỗi tháng chứ không thể để họ không có lương”.

Rất nhiều bể ủ chượp từ năm 1959 được nâng cấp và sử dụng tốt đến tận bây giờ.

Chi phí nguyên liệu cũng là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp. Mỗi năm công ty sản xuất 2,5 triệu lít nước mắm, sử dụng 3-4 nghìn tấn nguyên liệu. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu tại chỗ chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu sản xuất, phần lớn vẫn phải mua từ miền Nam hoặc bắc miền Trung.

Miền Bắc hiện đã chú trọng dùng cá cơm làm nước mắm. Cá nục nhỏ cũng là nguyên liệu chính, làm nước mắm có màu đậm và độ đạm cao. Chượp chín đem lọc được nước mắm cốt, loại này đem đóng chai riêng để ghi nhãn nước mắm cốt cá cơm và nước mắm cốt cá nục. Còn lại là loại pha đấu để tạo ra hương vị riêng phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng. Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam Hồ Kim Liên đánh giá nước mắm của công ty rất ngon, nhất là nước mắm cá cơm, hậu vị rất tốt.

Công ty còn sản xuất nước mắm tôm chắt và nước mắm cáy theo thời vụ tại các xí nghiệp khác, với sản lượng trên 500 nghìn chai mắm cái loại 300 ml, 50-70 tấn mắm tôm đặc và 500 nghìn lít nước mắm tôm chắt, đặc biệt loại mắm này có độ đạm khá cao 32-35 gN/lít. Hàng năm, công ty đạt doanh thu trên 250 tỷ đồng, riêng từ nước mắm đạt trên 70 tỷ đồng.

Và hướng tới mở rộng thị trường

“Cái hay là sản phẩm của công ty từ lâu đã được đưa vào phục vụ bữa ăn cho các đại biểu tại các kỳ họp quốc hội”. – GĐ Trần Văn Quang tự hào – “Năm nào cũng vậy, các ban ngành địa phương mua đều mua nước mắm của công ty làm quà tết cho cán bộ nhân viên. Mỗi dịp tết công ty bán được hàng chục nghìn lít nước mắm loại đặc biệt được chế biến từ cá cơm”.

Sản phẩm của công ty đã được ký hợp đồng cung cấp cho bếp ăn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp ở địa phương với sản lượng tiêu thụ hàng năm vài trăm nghìn lít loại trên 15 độ đạm vì họ rất quan tâm đến chất lượng, yêu cầu kiểm nghiệm rất khắt khe.

Ảnh: internet.

Tuy vậy, nước mắm đóng chai (chủ yếu tiêu thụ tại Tp. Thái Bình) chỉ chiếm khoảng 20% sản lượng nước mắm của công ty vì người dân cho rằng, mua nước mắm chai bao giờ cũng đắt hơn vì phải mua cả nhãn mác, thương hiệu, nắp chai,… Họ thích mua nước mắm lít, tức là nước mắm đóng can 20 lít, không cần nhãn mác, mua lẻ từ  đại lý, thậm chí có người còn mang sẵn chai từ nhà đến.

Điều thú vị nhất là nước mắm Thái Bình không hiểu sao chỉ hợp khẩu vị của người bản địa. Nó cũng được bán sang các địa phương khác như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên và vào tận Đắc Lắc, Đắc Nông nhưng cũng chủ yếu bán cho người quê gốc Thái Bình!

“Công ty đã tốn khá nhiều tiền bạc và thời gian để làm thị trường Hà Nội nhưng không trụ lại được vì nước mắm Thái Bình có mùi rất đặc trưng, không hợp với việc chế biến và nêm nếm các món ăn nấu trong các loại nhà ống và nhà kín ở các đô thị lớn. Tuy nhiên, định hướng phát triển thị trường trong thời gian tới của công ty là phát triển ra thị trường các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và vươn lên Lào Cai, Yên Bái, đồng thời tìm đại lý phân phối loại nước mắm cao đạm tại Hà Nội” – PGĐ Vũ Đức Triệu cho biết.

DNK

Bình luận bài viết

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *