(VATFI.org.vn) – Trở thành đối tác cung cấp hàng cho Central Retail, bạn có cơ hội tiếp cận các siêu thị của tập đoàn bán lẻ hàng đầu này tại 41 tỉnh thành trong cả nước. Tập đoàn đạt mục tiêu phục vụ nhu cầu mua sắm của hơn 50% hộ gia đình Việt Nam hàng ngày và sẽ có mặt ở 55 tỉnh thành trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp không thể trở thành nhà cung cấp của tập đoàn này vì không thể đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và mẫu mã bao bì.

Tại Hội thảo và kết nối kinh doanh ‘Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam’ do Cục Chế biến và phát triển truyền thống nông sản Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 12/8/2022 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Mai Phương, Giám đốc thu mua của tập đoàn Central Retail, chia sẻ kinh nghiệm với các nhà cung cấp nông sản muốn trở thành đối tác của tập đoàn.
5 bước để tiếp cận Central Retail
Bước đầu tiên là Duyệt hồ sơ nhà cung cấp. Nhà cung cấp chỉ cần có bản đăng ký kinh doanh/mã số thuế; tài khoản ngân hàng, giấy chứng nhận ATTP, phiếu kiểm nghiệm sản phẩm, hồ sơ công bố chất lượng; các giấy chứng nhận khác nếu có (Vietgap, Hữu cơ, Thủy canh, OCOP…); Báo giá và hàng mẫu.
“Tập đoàn sẽ cử người đánh giá thực tế cơ sở của nhà cung cấp, vì kinh nghiệm cho thấy việc xác minh thực tế nguồn gốc sản phẩm trong rất nhiều trường hợp lại khác xa với hồ sơ khi chúng tôi tới tận thực địa của cơ sở. Khi chúng ta đã xác định sẽ đi đường dài với nhau thì việc đảm bảo chất lượng sản phẩm cung cấp cho khách hàng của siêu thị là vấn đề cực kỳ quan trọng” – bà Nguyễn Thị Mai Phương cho biết.
Bước tiếp theo là Đàm phán và ký kết hợp đồng, bao gồm đàm phán các điều khoản thương mại (thời hạn thanh toán, đơn hàng tối thiểu, tần suất đặt hàng, thời hạn giao hàng, Chiết khấu thương mại theo các đề xuất của Big C) và ký hợp đồng (theo form mẫu của Big C, hiệu lực của hợp đồng là 1 năm, sau 1 năm sẽ ký mới lại tùy tình hình kinh doanh thực tế).
Các hộ nông dân và hợp tác xã cần lưu ý là Central Retail hiện đang áp dụng chính sách chiết khấu thương mại 0% để giúp các hộ nông dân nhỏ lẻ có thể đưa sản phẩm của họ từ những vùng sâu vùng xa đến với hệ thống bán lẻ hiện đại của tập đoàn.
Bước thứ ba là Tạo dữ liệu trên hệ thống (tên và mã nhà cung cấp, mã hợp đồng, mã hàng hóa cho các mặt hàng của nhà cung cấp, cập nhật các điều khoản hợp đồng) để đảm bảo hàng hóa của nhà cung cấp khi vào hệ thống bán lẻ của Central Retail được bày bán lại các cửa hàng ở 41 tỉnh thành để đảm bảo mã hàng hóa của nhà cung cấp có mặt trên hệ thống đặt hàng chung. Tập đoàn có hệ thống đơn hàng gia hạn tự động để đảm bảo khách hàng trên toàn quốc sẽ có cơ hội trải nghiệm các sản phẩm khác nhau không phân biệt vùng miền.

Bước thứ tư là Đặt hàng và giao hàng: các cửa hàng sẽ đặt hàng dựa trên danh mục hàng hóa đã tạo và sản lượng bán thực tế nhưng vẫn phải đảm bảo đủ đơn hàng tối thiểu đã thống nhất với nhà cung cấp và đúng lịch đặt hàng (nếu có).
Central Retail khuyến khích các nhà cung cấp cung ứng hàng hóa cho tất cả các siêu thị ở 41 tỉnh thành, chứ không phải là nhà cung cấp ở vùng miền nào thì cung cấp hàng vào siêu thị ở vùng miền đó. Tập đoàn sẽ ưu tiên cho nhà cung cấp đảm bảo hàng hóa cho toàn bộ hệ thống. Nhà cung cấp chỉ cần giao hàng đến 1 trong 3 tổng kho ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Khi nhà cung cấp giao hàng đến tổng kho thì ở đó hàng hóa sẽ được kiểm tra chất lượng và khi về đến siêu thị sẽ lại được kiểm tra lại một lần nữa.
Bước cuối cùng là Thủ tục thanh toán. Nhà cung cấp phải đưa ra: Bảng kê chi tiết giao hàng tại kho tổng của Big C có đầy đủ chữ ký và dấu xác nhận của kho. (Nếu giao hàng tại tổng kho); Phiếu giao hàng có chữ ký và dấu xác nhận của cửa hàng (nếu giao hàng trực tiếp cho cửa hàng); Đơn đặt hàng và Hóa đơn đỏ. Việc thanh toán sẽ theo thỏa thuận đã ký trong hợp đồng, thông thường vào ngày 5 và 15 hàng tháng cho những hóa đơn đến hạn 15 ngày kể từ ngày nhà cung cấp nộp hồ sơ đầy đủ cho kế toán Big C. Tuy nhiên, nếu nhà cung cấp chậm hồ sơ dù chỉ 1 ngày vì lý do nào đó hay thủ tục chưa hoàn tất thì sẽ chuyển sang đợt sau.
Hình thức bên ngoài của sản phẩm là yếu tố quyết định
Theo bà Nguyễn Thị Mai Phương, cách đây 10 năm khách hàng quan tâm chủ yếu đến yếu tố giá cả sau đó mới đến chất lượng, còn bây giờ khi cuộc sống người dân đã được nâng cao thì yếu tố then chốt để khách hàng quyết định mua là chất lượng rồi mới đến giá cả.
Vậy làm thế nào để khách hàng biết đến chất lượng sản phẩm nhất là khi họ chưa bao giờ mua hay dùng thử sản phẩm đó? Điều đó liên quan đến việc bên ngoài sản phẩm được thiết kế mẫu mã, nhãn mác và trưng bày như thế nào. “Nếu các quý vị không quan tâm đến vấn đề bao bì và nhãn mác thì, khi vào hệ thống siêu thị bán lẻ như Big C với trên 40 nghìn mặt hàng thì sản phẩm của chúng ta sẽ ở đâu trong định vị của người tiêu dùng? Không hề có luôn!” – bà Nguyễn Thị Mai Phương khẳng định, điều duy nhất khiến khách hàng quyết định mua sản phẩm, khi không có bao bì và nhãn mác tốt, không có những đặc thù để chứng minh cho doanh nghiệp mình, đó là yếu tố giá cả. Nhưng điều đó cũng giống như bán những sản phẩm đổ đống khác ngoài chợ thôi. Lúc đó khách hàng sẽ: ‘Ok, giá rẻ thì tôi mua’.
Nhưng liên quan đến giá, nếu xác định đi đường dài với nhau thì liệu doanh nghiệp có thể đầu tư giá để chạy các chương trình khuyến mại trong vòng bao lâu? Nên đối với các siêu thị, nếu phải lựa chọn giữa 2 nhà cung cấp cùng một loại sản phẩm, họ sẽ ưu tiên cho nhà cung cấp có sản phẩm với mẫu mã bao bì phù hợp với định lượng, định tính và hình ảnh của siêu thị. Điều đó cũng thể hiện nhà cung cấp có thể cung ứng lâu dài.

Cũng liên quan đến nhãn mác, bao bì và thương hiệu, bà Nguyễn Thị Mai Phương nêu ví dụ, cùng là sản phẩm lê bán trong siêu thị nhưng không có định dạng về vùng trồng và địa lý thì khách hàng cũng coi như là lê bán ngoài chợ. Lúc đó, họ sẽ tự hỏi: tại sao tôi phải mua lê trong siêu thị với giá 30-40 nghìn đồng/kg trong khi ngoài chợ cũng lê như thế giá chỉ 20 nghìn đồng/kg? Đó sẽ là rào cản rất lớn đối với sản phẩm của doanh nghiệp. Nhưng khi định vị sản phẩm lê Tai Nung gắn với vùng trồng cụ thể nào đó ở Sơn La và được đóng trong hộp xinh xắn thì siêu thị hoàn toàn có thể bán với mức giá rất cao, tức là khách hàng biết được vùng trồng và tin tưởng ở nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
“Chúng tôi rất khuyến khích các nông hộ hay hợp tác xã bán sản phẩm có mã QR code trên đó để khách hàng có thể truy xuất được nguồn gốc và họ nhớ đến mùa hoa quả đó sang năm là mình có thể đến siêu thị Big C hay Go! để mua được đúng sản phẩm yêu thích, kể cả mức giá cao hơn nhiều so với ngoài chợ. Chính vì vậy, câu chuyện về định vị và nhãn hiệu, mẫu mã, bao bì sản phẩm là vô cùng quan trọng” – Giám đốc thu mua của Central Retail khẳng định. – “Hơn nữa, nếu chúng ta càng tinh tế thì càng có lợi thế trong cạnh tranh. Ví dụ, khách du lịch rất thích lựa chọn sản phẩm hạt điều đóng gói là túi giấy xinh xắn hay hộp giấy vì gắn liền với ý nghĩa hàm ý hữu cơ (organics) và thân thiện với môi trường. Điều đó tạo ra sự định vị khác so với các sản phẩm đóng gói bao bì kiểu truyền thống và tạo nhiều ấn tượng trong lòng khách hàng”.
DNK